Home » , » Thời tiết giao mùa, nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp

Thời tiết giao mùa, nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp

Thời tiết thay đổi lúc nóng, lúc lạnh, độ ẩm cao ở miền Bắc khiến số trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng 10-15%. Bệnh xảy ra trên trẻ sơ sinh thường diễn biến nặng nhưng biểu hiện kín đáo, khó phát hiện. Mấy ngày hôm nay chị Mai, Gia Lâm, Hà Nội, lo lắng vì cậu con trai gần 3 tuổi sốt, sổ mũi, húng hắng ho, uống thuốc hạ sốt được vài tiếng lại nóng tiếp. Ban đầu cháu còn chơi, còn ăn được, hai hôm sau không ăn, bám lấy mẹ. "Cháu sốt không cao, không ho nhiều nhưng chẳng ăn gì, cả tiếng đồng hồ cứ ngậm miếng cơm trong miệng không chịu nhai. Có tối đi ngủ chỉ uống được cốc sữa", chị Mai buồn bã nói. "Cậu em ốm, chị gái nó mấy đêm nay ngủ toàn ho", chị cho biết thêm. Những ngày này số trẻ đến bệnh viện khám tăng 10-15%. Ảnh: N.P.


 Phó giáo sư Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 trẻ đến khám, tương đương cùng kỳ mọi năm. Do sức đề kháng kém nên trẻ dưới 5 tuổi dễ mắc bệnh liên quan đến hô hấp, nhất là vào thời điểm giao mùa. Trong đó, chủ yếu là các bệnh đường hô hấp: viêm tiểu phế quản, cúm mùa, viêm họng… Trẻ có tiền sử sinh non, bị bệnh mãn tính, dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch bẩm sinh có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cao hơn. "Bệnh xảy ra nhiều với trẻ mới được vài tháng tuổi, bệnh cảnh tương đối nặng hơn so với trẻ lớn. Về nguyên tắc, trẻ càng nhỏ thì bệnh càng dễ biến chứng nặng", phó giáo sư Hải nói. Theo phó giáo sư, biểu hiện bệnh thường ở trẻ nhỏ không điển hình như trẻ lớn. Cùng là bệnh cúm mùa nhưng bé lớn có thể sốt rất cao, hắt hơi, ho, sổ mũi... trong khi đó với trẻ đang bú mẹ biểu hiện lâm sàng thường kín đáo, không rầm rộ, sốt không cao, ho ít nên gia đình khó phát hiện, dễ bỏ qua. Vì thế nếu trẻ ăn uống bú kém, bỏ bữa, ăn ít, sốt không rõ ràng, hay nôn trớ, giấc ngủ không ngon thì cha mẹ cần lưu ý có thể bé đang bị bệnh, cần đưa đi khám. Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết, một số cha mẹ thường chỉ nghĩ con bị bệnh khi có dấu hiệu sốt và ho. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với trẻ lớn, còn với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì có những dấu hiệu khác. Có những trẻ không bị sốt hay ho nhiều nhưng đã bị biến chứng viêm phổi rất nặng. Vì thế, theo bác sĩ, với nhóm trẻ nhỏ có 3 dấu hiệu quan trọng cha mẹ cần chú ý là: việc bú, ngủ và cách thở của bé. Nếu thấy bé bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc quan sát thấy trẻ thở nhanh, đầu gật gù hoặc nhìn thấy rõ hai cánh mũi phập phồng, thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Ngay cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường thì cũng có thể do bị bệnh. Bên cạnh đó theo các chuyên gia, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc cho con uống, đặc biệt là kháng sinh, bệnh không khỏi, thậm chí nặng hơn. Diễn biến của bệnh tùy thuộc vào nguồn bệnh, cơ địa của trẻ. Thực tế có trẻ mới ốm 1-2 ngày bệnh đã chuyển nặng, có trẻ cơ địa tốt thì chống đỡ tốt hơn. Do vậy, để phòng tránh bệnh, trẻ nhỏ không tắm quá lâu, không đi chân đất trên nền nhà ẩm ướt, không mặc quần áo chưa khô… Khi trời nồm, tốt nhất không nên mở cửa nhà vào lúc sáng sớm và tối, vào buổi trưa khi nhiệt độ lên cao thì tranh thủ mở cửa cho khí ấm tràn vào. Không cho trẻ mặc phong phanh, cũng không nên quá ủ ấm, bởi khi trẻ ra mồ hôi rất dễ bị nhiễm lạnh. Với những bé ở nhà trẻ, sau khi trẻ nôn, vã mồ hôi, cô giáo cần lau sạch sẽ, tránh cho bé đi ngủ luôn ngay. Như vậy trẻ sẽ bị lạnh, dễ bệnh. Mặt khác, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đa dạng, giúp bé nâng cao sức đề kháng trước điều kiện môi trường. Nguồn: TTONL BACSI.com
Share this article :

0 comments:

Post a Comment

 
Support : Mas Template
Copyright © 2013. clip113 - All Rights Reserved
Share by BIT Tempales Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger